Dục Thanh học hiệu còn in dấu chân người

Nhà thơ văn yêu nước, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thông từ Tân An ra Phan Thiết đã chọn địa điểm này để ẩn dật. Ông xây một ngôi nhà nhỏ đặt tên là Ngoạ Du Sào làm nơi đọc sách, ngâm thơ và tiếp xúc với các nhân sĩ yêu nước thời ấy. Sau khi ông mất, các con ông là Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh cũng thường xuyên tiếp xúc với các nhân sĩ yêu nước như ông Trương Gia Mô, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…tại đây. Năm 1905, trong chuyến Nam du khảo sát dân tình các tỉnh cực Nam Trung bộ, ông Phan Chu Trinh đã gợi ý, khuyến khích nên mở trường để con em Phan Thiết có điều kiện học tập. Ông Lợi, ông Anh tán thành chủ trương nên đã vận động xây dựng trường vào năm 1907 trên khu đất nhà tự của mình. Bấy giờ, nhu cầu học tập của con em địa phương chưa nhiều nên quy mô trường nhỏ hẹp, không xây từng lớp riêng mà chỉ dựng một ngôi nhà chung, mái ngói, cột và vách bằng gỗ. Ngoài ra, trường còn một ngôi nhà ngư (trước khi mở trường là nhà chứa ngư lưới cụ và thùng làm nuớc mắm) dành cho thầy trò ở xa ăn nghỉ. Về kinh phí hoạt động, Dục Thanh Học hiệu dựa vào thu nhập hoa lợi của 10 mẫu ruộng tốt do Mạnh Thường Quân hiến tặng và Liên Thành Thương Quán hỗ trợ thêm kinh phí. Giáo viên của trường gồm các thầy: Nguyễn Quý Anh làm hiệu trưởng; thầy Chấn; thầy Trung, thầy Của, thầy Hải, thầy Phiên và thầy Thành (Nguyễn Tất Thành, lúc đó 20 tuổi). Học sinh khoảng 50 -60 em; đa số là con em gia đình khá giả. Nội dung giảng dạy của trường Dục Thanh theo mô hình Đông kinh Nghĩa thục, có cải biến phù hợp với tình hình địa phương; giáo dục bằng nhiều hình thức nhằm khơi dậy lòng yêu nước; vận động công cuộc duy tân đất nước; mở mang dân trí và rèn luyện thể lực cho thanh niên. Cách giảng dạy sáng tạo của Dục Thanh Học hiệu là dạy chữ quốc ngữ, dạy thêm chữ Hán và chữ Pháp, nhưng không phải dạy văn minh Pháp hay lịch sử Pháp mà để học sinh biết chữ Pháp; thông qua đó giáo dục lòng yêu nước VN. Nội dung giảng dạy sử dụng nhiều thơ ca yêu nước và đưa thể dục là môn rất mới thời ấy vào dạy tại trường để giáo dục thể chất cho học sinh. Tháng 3-1911, thầy hiệu trưởng Nguyễn Quý Anh nhận quản lý phân cuộc Liên Thành ở Chợ Lớn. Ông Nguyễn Trọng Lợi làm quản lý trường. Tháng 6-1911 ông Lợi qua đời. Trường tự giải tán sau đó.

Ý nghĩa lịch sử cũng là cột mốc quan trọng từ mái trường Dục Thanh là chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã dừng chân để chuẩn bị thêm vốn kiến thức và kinh nghiệm sống trước khi vượt đại dương tìm đường cứu nước. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết, dạy học ở trường Dục Thanh đến tháng 2-1911 theo sự giới thiệu của ông Trương Gia Mô – là hải lâm đãi chiếu tại Bộ Công Huế. Thầy Thành dạy chữ Quốc ngữ, Hán văn kiêm môn thể dục. Thầy rất gần gũi với học sinh. Ở Dục Thanh Học hiệu, thầy Thành vẫn giữ nếp sống thanh bạch, bình dị; phù hợp với cuộc sống thực tế bấy giờ. Thầy Thành từ chối ở Ngọa Du Sào mà đến ở ăn chung với các thầy, trò ở nhà ngư. Thầy Thành là một người rất ham học: học ở sách vở, ở đồng nghiệp, ở nhân dân. Những ngày nghỉ, thầy Thành thường đến thăm dân nghèo ở bến cá Cồn Chà, thăm hỏi tỉ mỉ từng bữa ăn, cuộc sống của bà con lao động biển nghèo; tìm hiểu cặn kẽ cách đánh bắt cá, luyện tập đi biển, xác định phương hướng ngoài biển…. Thầy Thành có nhiều sáng tạo trong cách truyền đạt nhằm giúp học sinh hiểu bài một cách nhanh nhất. Với thể dục là môn mới, chưa trường tư nào dạy chính thức, thầy Thành tổ chức cho học sinh tập điền kinh nhẹ nhằm giúp các em tránh mệt mỏi sau mỗi buổi học. Ngoài giờ giảng trên lớp, thầy Thành thường tổ chức đi ngoại khóa: đưa học trò xem hát tuồng, dự các ngày hội văn hóa của địa phương… Những dịp này thầy Thành thường kể chuyện lịch sử, giới thiệu danh thắng của đất nước hoặc bình luận thơ văn, qua đó giáo dục học trò quan niệm sống. Ngoài dạy học, mỗi sáng thầy cùng học trò tưới cây, làm vệ sinh trường lớp; tự rèn luyện bản thân và làm gương cho học trò. Trên gác Ngoạ Du Sào có tủ sách ông Nguyễn Thông để lại, thầy Thành đã vận động quyên góp sách, tiền để “làm giàu” tủ sách. Thầy cũng góp tiền và một số sách quý cho trường.

Một đóng góp hết sức ý nghĩa của công ty Liên Thành là giúp đỡ thầy Thành trong quá trình từ Phan Thiết đến Sài Gòn trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Năm 1911, Nguyễn Tất Thành được ông Hồ Tá Bang, Trương Gia Mô, Trần Lệ Chất giúp đỡ vào Sài Gòn với tên Văn Ba đồng thời Công ty Liên Thành đã tài trợ một số vật chất cho thầy Thành trước khi lên đường. Nơi Người ở Sài Gòn đến khi lên tàu cũng chính là trụ sở của phân cuộc Liên Thành Thương quán ở số 1-2-3 Quai Testard, nay là nhà số 5-7 Châu Văn Liêm, đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia theo quyết định số 1288-VH/ QĐ ngày 16-1-1988.

Trích báo Người Lao Động