Liên Thành Thương Quán được sáng lập năm 1906 để hưởng ứng lời kêu gọi Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh.
Qua hơn 100 năm, sứ mệnh Duy Tân của Liên Thành đã hết, nhưng tinh thần dân tộc không hề mất đi.
Tinh thần ấy được giữ gìn trong hương vị tinh tuý của từng giọt nước mắm mà bạn có thể cảm nhận.
Sáng lập với sứ mệnh Duy Tân
Năm 1906, bắt nguồn từ cảm khái với tinh thần Duy Tân của cụ Phan chu Trinh trong cuộc hội ngộ trước đó, mà 6 sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận đã sáng lập Liên Thành Thương Quán, là một trong ba tổ chức:
– Dục Thanh Học Hiệu để “khai dân trí”.
– Liên Thành Thư Xã để “chân dân khí”.
– Liên Thành Thương Quán để “hậu dân sinh”.
Tên Liên Thành, tức thành hoa sen, là tên cũ của Bình Thuận, được chọn để thể hiện lòng tự hào với miền đất, biểu tượng con voi đỏ được chọn để thể hiện mong muốn thức tỉnh dân tộc, vừa bằng tập tính bầy đàn, vừa bằng sức mạnh của loài voi.
Một phần của lịch sử dân tộc
Khởi nghiệp từ một cơ sở kinh doanh ở Phan Thiết, Liên Thành dần phát triển ra các cơ sở sản xuất và kinh doanh ở Mũi Né, Phan Rí, Hội An và tới năm 1917 thì chuyển Tổng cuộc vào Chợ Lớn. Đến năm 1920, Liên Thành mở phòng hóa nghiệm, nhờ đó bảo đảm được chất lượng để sản phẩm vươn ra khắp Trung Kỳ, Nam Kỳ và cả Nam Vang.
Năm 1911, Liên Thành đã giúp đỡ ông Nguyễn Tất Thành – tức Chủ tịch Hồ Chí Minh – trong quá trình từ Phan Thiết vào Sài Gòn và lên tàu ra nước ngoài. Trong quá trình kinh doanh đến năm 1975, Liên Thành được ghi nhận có nhiều đóng góp cho phong trào Duy Tân, Đông Du Việt Minh và Mật trận Giải phóng.
Tinh thần dân tộc trong từng giọt nước mắm
Năm 1979, cụ Huỳnh Văn Dậu – Tổng lý kế nhiệm các cụ tổ – đồng ý hiến Liên Thành cho Nhà nước với điều kiện giữ lại tên Liên Thành với bàn thờ 6 cụ tổ, nhờ đó giữ lại cả thương hiệu lẫn niềm tự hào cho người sau.
Năm 2001, Liên Thành cổ phần hoá với phần vốn giá trị nhất là di sản phi vật thể ấy. Với nhận thức rằng sứ mệnh cũ đã chấm dứt, nỗ lực của Liên Thành là làm ra loại nước mắm quốc tuý để giữ gìn tinh thần của người xưa.