TÍN – PHONG CÁCH DOANH NGHIỆP

TÍN – PHONG CÁCH DOANH NGHIỆP

Nhân-nghĩa-lễ-trí-tín đó là những đức tính của con người. Vận được những đức tính đó vào nghiệp kinh doanh thì phát tài, bài học đó đến nay vẫn nguyên giá trị và được gọi dưới cái tên mới hơn là văn hóa doanh nghiệp trong đó có phong cách doanh nhân.

Ý niệm đầu tiên cũng là một kỷ niệm sâu sắc của tôi về thế nào là “phong cách doanh nghiệp” đó là cách đây hơn ba mươi năm, sau ngày miền Nam giải phóng. Đầu năm 1976, gia đình tôi nhận được một phong thư gửi từ Sài Gòn ra. Nơi gửi là “Công ty nước mắm Liên Thành” và người nhận là tên của ông nội tôi, người đã mất từ cách đó hơn 30 năm. Nội dung của bức thư là mời ông tôi với tư cách là cổ đông vào dự cuộc họp Đại hội đồng “nhân miền Nam hoàn toàn giải phóng, thông báo chuyển đổi hướng kinh doanh và thanh, quyết toán những quyền lợi của cổ đông”.

Nhớ nguồn

Ông nội tôi gốc ở Bến Tre, khoảng năm 1917 ra định cư ở Hà Nội. Bà nội tôi người Hà Nội mở cửa hàng nhỏ giữa khu phố cổ. Công việc chính của ông tôi là tham gia lập “Hội Nam Kỳ tương tế” để làm nơi liên lạc của những người Nam Kỳ ra làm ăn kinh doanh hay tòng sự công chức ngoài Bắc…

Không biết ông nội tôi có tham gia vào phong trào Duy Tân hồi đầu thế kỷ hay không, nhưng trong nhà treo một tấm bằng là cổ đông của “Công ty nước mắm Liên Thành” vốn là một cơ sở kinh doanh của các nhà Duy Tân ở Nam Kỳ, lúc đầu ở Phan Thiết, sau chuyển vào Sài Gòn.

Giải thích về lá thư này, mẹ tôi kể rằng trước kia, tiền lời từ cổ phiếu vẫn được Công ty gửi ra, nhưng từ khi Mỹ ném bom hồi Đại chiến II thì mất liên hệ. Sau đó ông tôi chết, rồi bố tôi cũng hy sinh trong những ngày kháng chiến ở Hà Nội, rồi biết bao biến động của đất nước cùng đổi thay trong gia đình khiến chẳng ai còn nhớ đến cái công ty nước mắm có logo là một con voi màu đỏ chót… Mẹ tôi lục tìm trong tủ, cuối cùng tìm thấy tấm bằng cổ đông và vài chục tấm cổ phiếu (coupons) đã ngả màu thời gian. Sau những năm chiến tranh và trước đó là “cải tạo công thương nghiệp tư bản”, cuộc sống gia đình tôi không còn sung túc như xưa. Mẹ tôi nhẩm tính mệnh giá của mỗi cái cổ phiếu nếu tính từ thời “trước 45” quy ra thóc hay vàng phải là từng này, nhân lên vài chục cổ phần phải là từng này, rồi lại nhân lên ngần ấy năm hơn phải là một món tiền to, nếu tính cả lời nữa thì…

May sao, ít lâu sau, tôi được cơ quan cử vào thành phố Hồ Chí Minh công tác. Thế là tôi mang theo lá thư cùng tất cả các chứng từ của người cổ đông thừa kế tìm đến “Công ty nước mắn Liên Thành” ở đường Vân Đồn. Suốt dọc đường đi, lúc thì trên những toa tàu hỏa chật chội và bẩn thỉu, lúc trên chiếc xe đò cà tàng, cái món tiền sắp được thanh toán từ những tấm cổ phiếu ấy cứ ám ảnh kèm theo cái dự kiến mua sắm đồ đạc luôn được điều chỉnh trong… trí tưởng tượng của tôi.

Rồi thì cuối cùng, tôi cũng đến trước cửa một toà nhà có kiến trúc hồi đầu thế kỷ có dòng chữ quốc ngữ và cả chữ Nho tên của công ty và hình con voi màu đỏ chót. Tòa nhà khôn lớn và không gian thoang thoảng hương vị của cái món nước chấm “quốc hồn quốc túy”.

Lịch thiệp

Tôi bước vào bên trong và ấn tượng đầu tiên là những cô gái mặc áo dài đủ màu sắc. Ngoài Hà Nội vào thời điểm ấy, bộ áo dài vẫn còn hiếm hoi lắm. Cuộc sống lao động, chiến tranh, sơ tán… cùng lượng vải định mức theo tem phiếu khiến việc may được chiếc áo dài cũng như bộ vét của đàn ông đã trở nên xa xỉ. Đàn bà chỉ mặc áo dài khi cưới hay những ngày hội lớn. Còn ở công sở hay công ty (mà ở Bắc lúc đó chỉ có công ty nhà nước) thì cán bộ công nhân viên chủ yếu là quần thâm và bộ cánh là sơ mi hoặc một loại áo khoác bằng loại vải dày hơn, ít ai mặc màu sặc sỡ…

Một cô áo dài thấy tôi vào, bèn bước tới, hai tay chắp nhẹ trước ngực nghiêng mình hỏi: “Dạ, thưa quý anh đến đây có việc gì không ạ? Giọng còn hơi khó nghe nhưng cung cách thì làm tôi sững sờ vì vẫn quen nghe những câu cộc lốc như căn vặn ở nơi công sở hay từ các cô “mậu dịch viên” ngoài Bắc.

Tôi tự giới thiệu nhân thân và trình bày việc nhận được giấy mời nhưng không kịp vào dự đại hội cổ đông, muốn lại xem “tình hình ra sao”. Ngượng nghịu khi nói đến chuyện tiền nong đã trở thành thói quen trong thời bao cấp khiến tôi không dám thò ra tập cổ phiếu cất kỹ trong cặp.

Thưa quý anh, mời quý anh ngồi chờ một chút, sẽ có người ra tiếp ạ”. Chỉ một lát sau, một người người đàn ông tuổi đã cao bước ra vồn vã với tôi như một người đã quen biết, gọi đúng tên ông nội tôi kèm theo một loạt những thông tin về gia đình tôi 4 thập kỷ trước… kể cả cái sê-ri cổ phiếu của ông nội tôi và cũng không quên chia buồn với tôi là hậu duệ của một cổ đông đã quá cố đến nay mới nối lại được liên hệ.

Tôi thực sự cảm động khi thấy ở cái nơi làm ăn, buôn bán này người ta đối xử với cổ đông, với bạn hàng thân tình và chu đáo đến vậy. Cảm động hơn là, không cần mình đặt vấn đề, ông đã nhắc ngay đến việc phải thanh toán những quyền lợi của cổ đông. Ông nhận từ tôi những tấm cổ phiếu và cả tấm bằng với một sự trang trọng như cầm một cổ vật của công ty và mời tôi ngồi chờ để tính toán…

Lúc ngồi chờ, các cô nhân viên lại xuất hiện với ấm trà nóng, một đĩa mứt dừa nho nhỏ để tôi dùng trong lúc không có ai trò chuyện. Nhưng tâm trí của tôi đang dồn vào cái tiếng loạch xoạch của chiếc máy tính quay tay phát ra từ phòng bên cạnh có gắn tấm biển nhỏ “kế toán”. Thời gian trôi hơi chậm.

Rồi người đàn ông bước ra với một tập giấy trên tay và hình như lại có có một cái phong bì nữa. Vẫn nét mặt cởi mở, ông ngồi xuống cạnh tôi, đặt tập giấy lên bàn và chậm rãi nói. Ông nói về lịch sử công ty ra đời từ một phong trào ái quốc, về những nhà sáng lập và những hoạt động kinh tài của công ty giúp phong trào Duy Tân, kể cả việc Cụ Hồ dạy ở trường Dục Thanh là cơ sở của công ty ở Phan Thiết…; rồi nhắc đến ông nội tôi như người trong nhà với nhiều điều lần đầu tôi mới biết và cuối cùng là tình hình kinh doanh của công ty kể từ khi mất liên hệ với gia đình tôi.

Minh Bạch

Chiến tranh, các cuộc thay đổi chế độ liên quan đến các phương thức thanh toán, việc thay đổi các loại tiền từ tiền Đông Dương đến đồng “Quan kim” của Tàu Tưởng, tiền Dân chủ Cộng hòa rồi giấy bạc của ông Bảo Đại, tiền Sài Gòn và cuối cùng là tiền Mặt trận đổi ra tiền Ngân hàng Nhà nước của ta… Cuối cùng, cái điều tôi quan tâm nhất cũng được ông trình bày một cách rành rẽ. Ngần này cổ phiếu với mệnh giá như thế, theo điều lệ và những lần thay đổi điều lệ thì tính ra như thế, sau mỗi lần thay đổi tiền tệ thì chỉ còn như thế… và đến nay thì theo chủ trương của nhà nước sẽ công tư hợp doanh cơ sở với những chính sách được ban hành như thế… thì số tiền xin thanh toán lại với gia đình là như thế này…

Tất cả cái “như thế” ấy được gói gọn vào cái phong bì. Tôi giở ra thấy có một lá thư cảm ơn sự gắn bó của gia đình với công ty, không quên kèm theo lời phân ưu với vị cổ đông đã quá cố chủ trương của chính phủ đối với các doanh nghiệp tư nhân dẫn đến việc thanh lý các cổ phiếu kèm theo việc thanh toán mọi quyền lợi. Cách tính toán và số tiền theo mệnh giá mỗi thời quy đổi và cuối cùng là món tiền thanh toán in đậm cả bằng số và bằng chữ. Cuối cùng nữa là những lời chúc thân thiết, chữ ký và dấu son.

Nhìn vào con số kết toán, tôi khẽ giật mình. Những cảm giác đó qua đi rất nhanh, cái còn lại là một sự sảng khoái sau khi gột bỏ được một cái gì nặng nề ra khỏi lòng mình. Tôi vui vẻ chia tay và nhớ mãi cái ngày đẹp trời khi được tiếp xúc với một doanh nghiệp cổ phần đầu tiên sau một thời gian chỉ biết đến hai chữ “quốc doanh”. Lúc ra về, Công ty còn tiễn tôi bằng một can nước mắm cốt bên ngoài vỏ đựng có hình con voi đỏ chót…

Còn với món tiền được công ty thanh toán, tôi chỉ đủ sắm được một cái ti vi trắng đen của Nhật, một cái quạt máy và mấy cái màn tuyn. Món tiền đúng là không nhiều như tôi tưởng tượng ban đầu, nhưng tất cả những gì tôi chứng kiến trong cung cách làm ăn, ứng xử của một doanh nghiệp làm tôi hoàn toàn tin tưởng và thoải mái khi mọi sự rất minh bạch trong một không khí thân thiện và lịch thiệp. Và không chỉ tôi, mẹ tôi và các thành viên trong nhà khi nghe thuật lại đều cảm thấy thế.

Mới đây, năm 2006, tôi trở lại “Công ty nước mắm Liên Thành” nhân bàn chuyện kỷ niệm 100 năm. Vẫn tòa nhà cũ, vẫn logo hình con voi đỏ chót, nhưng nay đã chuyển thành công ty cổ phần như… xưa. Các vị lãnh đạo mới vẫn vồn vã đón tôi như người nhà và lần này tặng tôi một bản chụp những sổ sách cũ của Công ty Liên Thành hồi đầu thế kỷ, trong có dòng chữ ghi tên ông nội tôi trong danh sách các cổ đông thời mới sáng lập. Chính những điều tôi vừa kể, bây giờ ta gọi là phong cách, là một nét của văn hóa doanh nghiệp vậy.

Phong cách Doanh nhân