Gốm Quảng Ðức và Liên Thành Công ty
Gốm Quảng Ðức và Liên Thành Công ty
Trong quá trình 400 năm hình thành, phát triển vùng đất Phú Yên, gốm Quảng Ðức là một trong những di sản văn hóa tiêu biểu, đã có tuổi trên 300 năm. Các nghệ nhân làng gốm Quảng Ðức có đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng một thương hiệu quốc gia đã xuất hiện trên thương trường thế giới cách đây gần một thế kỷ – thương hiệu nước mắm Con Voi Ðỏ của Liên Thành Công ty.
Năm 1992, khi mới bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu về gốm cổ Quảng Đức, tôi may mắn được nhà sưu tập Đoàn Phước Thuận nhượng lại một vò gốm cổ Quảng Đức còn nguyên cả chiếc gióng sắt giằng xung quanh. Bấy giờ, giới chơi cổ vật chỉ quan tâm đến đồ sứ Trung Hoa, không mấy ai quan tâm đến gốm Việt. Tôi cũng chưa có nhiều thông tin về dòng gốm Quảng Đức, nhưng nhìn thấy 4 chữ Hán “Liên Thành Công ty” viết bằng mực xạ trên thai gốm để trống một phần không phủ men, tôi chợt nghĩ, chắc chắn sản phẩm từ làng nghề ở Phú Yên này có “duyên nợ” gì đây với Công ty Liên Thành?
Một dịp đến Phú Yên, nhà sử học Dương Trung Quốc có dịp xem bộ sưu tập gốm cổ Quảng Đức của tôi và vô cùng thú vị với chiếc vò gốm này. Bởi ông là người rất quan tâm đến các thương hiệu quốc gia và gia đình ông là một trong những thành viên góp vốn cho Liên Thành Công ty.
ĐÔI NÉT VỀ LIÊN THÀNH CÔNG TY
Sáu sáng lập viên của Liên Thành Công ty gồm: Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất và Ngô Văn Nhượng. Ra đời vào tháng 6/1906, đây là doanh nghiệp do các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận sáng lập để hưởng ứng phong trào Duy Tân. Liên Thành Công ty từng giúp đỡ thầy giáo Nguyễn Tất Thành – tức Chủ tịch Hồ Chí Minh – trong quá trình từ Phan Thiết vào Sài Gòn và lên tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
Đầu thế kỷ XX, Bình Thuận là nơi hội tụ nhiều sĩ phu yêu nước. Năm 1905, khi Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp ghé qua Bình Thuận trong một chuyến Nam du, hạt giống Duy Tân đã nảy mầm tại đây. Với sự giới thiệu của ông Trương Gia Mô, 3 cụ đã gặp các ông Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh – hai con trai của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông – để truyền bá tư tưởng Duy Tân. Với sự góp mặt thêm của các ông Ngô Văn Nhượng, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, họ đứng ra sáng lập ra 3 tổ chức với các nhiệm vụ chính trị – văn hóa – kinh tế gắn liền nhau, tương ứng với cương lĩnh hành động 3 điểm “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” của phong trào Duy Tân hồi bấy giờ. Ba tổ chức này bao gồm: Dục Thanh Học hiệu: mở trường dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ, được thành lập năm 1907. Liên Thành Thư xã: truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước, được thành lập năm 1905. Liên Thành Thương quán: làm kinh tế gây quỹ hoạt động, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhân dân, được thành lập năm 1906.
Các tài liệu lịch sử đều cho thấy lúc bấy giờ, các ngành nghề chính trong công nghiệp và thương mại đều do tư bản Pháp và Hoa kiều nắm giữ, nên Liên Thành Thương quán chọn sản xuất và kinh doanh nước mắm, là nghề truyền thống của người dân miền Trung, không ai cạnh tranh. Đến năm 1917, Liên Thành Thương quán dời vào Chợ Lớn, mua thêm một lô đất ở Khánh Hội (số 243 Bến Vân Đồn, quận 4, trụ sở chính của Liên Thành hiện nay) xây vựa chứa nước mắm. Chọn nghề truyền thống, nhưng 6 vị sáng lập đã có tầm nhìn xa nên đầu tư ngay từ đầu cho chất lượng sản phẩm, như: lập phòng hóa nghiệm, huấn luyện kỹ thuật viên, quan hệ với hãng Kubota của Nhật để trang bị máy móc tân tiến, xây dựng thương hiệu và chống hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu nước mắm Con Voi Đỏ.
Năm 1918, Liên Thành bước sang thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tham gia các hội chợ ở Hà Nội và dự cuộc đấu xảo ở Marseille (Pháp), tạo ra tiếng vang lớn. Từ sau đó, Liên Thành dần mở rộng mạng lưới phân phối tại nhiều tỉnh miền Trung, miền Nam, qua cả Campuchia và châu Âu. Có lẽ cũng trong thời gian này, Liên Thành Công ty bắt đầu đặt hàng các nghệ nhân làng gốm Quảng Đức chế tác các vò gốm có tráng men để đưa nước mắm Con Voi Đỏ tiêu thụ khắp trong và ngoài nước.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cùng với lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, chữ tín đã giúp nhiều nhà buôn Việt Nam trở thành các chủ tư bản dân tộc có sản phẩm, dịch vụ đủ mạnh để cạnh tranh với các nhà buôn Hoa kiều, Ấn kiều, Pháp kiều trong bối cảnh thương trường vô cùng khốc liệt lúc bấy giờ.
TINH XẢO GỐM QUẢNG ĐỨC
Từ gốm đất nung đến gốm tráng men là một bước tiến vượt bậc của gốm Quảng Đức nói riêng và gốm Việt nói chung. Bởi gốm tráng men có lợi thế là không thẩm thấu, rò rỉ khi chứa đựng rượu, nước mắm… Có lẽ cũng vì thế mà theo con đường các thừa sai lên truyền giáo ở Tây Nguyên men theo sông Ba, gốm Quảng Đức cũng được tiêu thụ rất mạnh trong thời vàng son của nó.
Cùng với chiếc vò gốm nói trên, duyên may khi tôi tiếp tục sưu tầm được chiếc vò thứ hai với kiểu dáng căng tròn theo phong cách Chăm Pa tuyệt đẹp, men màu tươi hơn, đường nét tinh xảo hơn. Đặc biệt, chiếc vò thứ hai này cũng có 4 chữ Hán “Liên Thành Công ty” nhưng được chế tác theo lối đắp nổi, phủ men chứ không chừa thai gốm như chiếc vò trước.
Với dòng gốm cổ Quảng Đức, có lẽ nhờ chữ tín về chất lượng sản phẩm nên đã được Liên Thành Công ty lựa chọn là đối tác chế tác vò đựng nước mắm trong bối cảnh miền Trung còn nhiều dòng gốm khác cũng có sản phẩm chứa đựng như Châu Ổ (Quảng Ngãi), Tháp Nhạn (Bình Định), Lư Cấm (Khánh Hòa), Bàu Trúc (Ninh Thuận)…
Những nghệ nhân cuối cùng biết về kỹ thuật chế tác gốm cổ Quảng Đức đã không còn nữa. Làng gốm Quảng Đức bên dòng sông Ngân Sơn (huyện Tuy An) cũng chỉ còn vài gia đình làm nghề với nguyên liệu, kỹ thuật chế tác hiện đại. Tuy nhiên, sự lan tỏa, ảnh hưởng của dòng gốm độc đáo này trên rất nhiều lĩnh vực thì vẫn được kể mãi.
TRẦN THANH HƯNG
http://baophuyen.com.vn/93/144714/gom-quang-%C3%B0uc-va-lien-thanh-cong-ty.html