Chuyện chưa biết về tờ cổ phiếu cổ nhất Việt Nam
Chuyện chưa biết về tờ cổ phiếu cổ nhất Việt Nam
Tại gian trưng bày chủ đề “Thời thơ ấu và thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Bảo tàng mang tên Bác ở Bến Nhà Rồng có trưng bày mấy tờ “Chứng khoán hữu danh cổ phần” khá đặc biệt được phát hành năm 1937.
Tại sao những tờ cổ phiếu này trưng bày ở đây? Nó có liên quan gì đến chặng đường hoạt động của Bác? Sao lại gọi là công ty nặc danh? Công ty phát hành ra nó giờ ra sao? Những lời giải thích của nhân viên bảo tàng chưa đủ khiến tôi phải lần tìm tới 2 địa điểm khác.
Cội nguồn tờ cổ phiếu
Lần theo địa chỉ ghi trên tờ cổ phiếu, từ Bến Nhà Rồng đi dọc theo bờ kênh Bến Nghé – đường Bến Vân Đồn chừng 2 km thì đến số nhà 243. Một căn biệt thự còn giữ được kiểu kiến trúc thời Pháp, gần trăm năm đã trôi qua nhưng tên đường và số nhà vẫn y nguyên, chỉ có cảnh quan là thay đổi, đẹp lên rất nhiều. Đây chính là “Tổng cuộc: số 243 Bến Vân Đồn – Sài Gòn” của Hãng Liên Thành – nơi phát hành ra những tờ cổ phiếu nói trên.
Ngược dòng lịch sử, năm 1910 trên hành trình từ quê nhà vào Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lưu lại dạy học một thời gian tại Trường Dục Thanh, tỉnh Bình Thuận. Trường này là một trong ba công ty con của “Tập đoàn” Liên Thành một trăm phần trăm sở hữu bởi người Việt Nam. Thì ra không phải bây giờ Việt Nam mới có những tập đoàn kinh tế đa ngành bao trùm từ sản xuất, bất động sản, giáo dục…, mà mô hình này đã được thực hiện từ năm 1906.
Hưởng ứng phong trào Duy Tân do chí sỹ Phan Châu Trinh khởi xướng, 6 cổ đông sáng lập yêu nước, trong đó có ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh là 2 người con trai của một vị quan yêu nước triều Nguyễn, nhà thơ Nguyễn Thông; ông Hồ Tá Bang cùng 3 người nữa đã thành lập ra một DN để tự kinh doanh gây quỹ mưu đại nghiệp.
Liên tiếp trong 3 năm, “Tập đoàn” Liên Thành đã thành lập ra 3 “công ty con” là Liên Thành Thư xã (năm 1905) để truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước; hãng nước mắm Liên Thành (1906) kinh doanh gây quỹ hoạt động và Trường Dục Thanh (năm 1907) để dạy học cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ. Công ty nước mắm Liên Thành lúc đầu đặt trụ sở tại Phan Thiết, có chi nhánh tại Chợ Lớn, do làm ăn phát triển nên chuyển trụ sở chính về Sài Gòn năm 1922 và phát hành thêm những tờ cổ phiếu trong ảnh vào năm 1937.
Sau khi rời tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và ở tại một ngôi nhà là chi nhánh của Hãng Liên Thành. Đó là dãy nhà số 1-3-5 đường Châu Văn Liêm, quận 5, TP. HCM ngày nay. Liên Thành chọn chỗ này làm chi nhánh là vì nó thuộc khu Chợ Lớn buôn bán sầm uất, trước dãy phố đó lại là một con kênh lớn nối với rạch Bến Nghé chảy ra Cảng Sài Gòn rất tiện cho ghe thuyền chở nước mắm, hàng hóa từ Phan Thiết vào. Theo bản đồ Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1911 thì sau này người Pháp mới cho lấp kênh làm thành đường Châu Văn Liêm như bây giờ, cũng như đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi hiện tại, trước đây cũng là các con kênh lớn. Người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành đã ở đây gần 4 tháng trước khi xuống tàu đi Pháp ngày 5/6/1911.
Trang website của Liên Thành hiện nay có ghi “chính Liên Thành góp phần tổ chức, giúp đỡ tài chính cho nhà ái quốc Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và sang Pháp” và có 1 đoạn quay ông Võ Hỷ Quang kể là khi Nguyễn Tất Thành lên tàu đi Pháp, Hãng Liên Thành có gửi 27 đồng lộ phí, nhưng Bác chỉ cầm 18 đồng, 9 đồng nay còn được lưu giữ lại. Điều này có đúng hay không thì cả 3 địa điểm Bảo tàng không có trưng bày tài liệu chứng minh, nhưng có lẽ nó cũng không quá khó hiểu bởi vì Nguyễn Tất Thành đã dạy học ở Trường Dục Thanh, Liên Thành cũng thu xếp chỗ ở Sài Gòn thì mười mấy đồng France các chí sỹ yêu nước gửi tặng làm lộ phí đi đường thì cũng là lẽ thường tình. Tuy những tờ cổ phiếu trưng bày ở Bảo tàng không có liên quan trực tiếp tới Nguyễn Tất Thành, nhưng nó lại hé mở một điều khác về sự hình thành các CTCP tại Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ trước.
Từ công ty nặc danh…
Từ những năm 1900, ngoài các công ty “vạn quốc” – công ty đa quốc gia theo cách gọi thời nay, thì công ty nặc danh (CTCP) một hình thức tổ chức DN tiên tiến đã du nhập vào nước ta. Tờ cổ phiếu thời ấy được gọi là “CHỨNG KHOÁN HỮU DANH CỔ PHẦN với những thông tin, thuật ngữ vừa quen vừa lạ như “công ty nặc danh”, “tổng cuộc”… nguyên văn từ trên xuống dưới như sau: ”Công ty nặc danh, sáng lập năm 1906; vốn 801.000 đồng bạc Việt Nam; chia ra làm 2.670 cổ phần, mỗi cổ phần là 300 đồng đã đóng tất rồi hết; Tổng cuộc: số 243 Bến Vân Đồn – Sài Gòn; Số quốc gia danh bộ 36-617-21-001; Điều lệ nộp phòng Chưởng khế Saigon, 97 đường Pasteur ngày 29/5/1917”.
Công ty nặc danh, hoặc công ty vô danh là cách gọi khác của CTCP du nhập vào nước ta đầu thế kỷ trước, là do có liên quan tới một bộ luật của Napoleon. Là một người rất ham học hỏi, đọc sách, trong một đợt bị phạt giam dài ngày, chàng sỹ quan trẻ tuổi Napoleon đã nghiền ngẫm một cuốn sách về luật La Mã cổ. Không ai ngờ được rằng, chỉ hơn chục năm sau đó Napoleon đã xây dựng được riêng một bộ luật của riêng mình cho nước Pháp. Sau khi lên ngôi hoàng đế, năm 1804, Napoleon với tư duy cải cách và những kiến thức uyên bác, trí nhớ phi thường từ cuốn sách đã đọc, đích thân chỉ đạo một ủy ban gồm các luật sư nổi tiếng để soạn thảo bộ luật dân sự. Bộ luật Napoleon gồm ba phần lớn là nhân thân, tài sản và nghĩa vụ, trong đó có những nguyên tắc và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tính chủ động, khuyến khích kinh doanh đã ảnh hưởng mạnh ở châu Âu và được áp dụng ở nhiều nước. Ở Việt Nam thời thuộc Pháp đầu thế kỷ thì luật lệ về công ty lần đầu tiên được áp dụng là trong “Bộ Dân luật thi hành tại các toà án Nam Bắc Kỳ”, trong đó có mục thứ 5 (Chương IX) nói về hội buôn được chia thành hai loại là hội người và hội vốn. Trong đó, hội vốn được chia thành hai loại là hội vô danh – CTCP và hội hợp cổ – công ty hợp vốn đơn giản.
Nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy tờ cổ phiếu trên không có đóng dấu của Hãng Liên Thành; đại diện pháp luật của công ty ký trên tờ cổ phiếu không phải chỉ có 1 Giám đốc mà là 2 người quản trị viên, rồi điều lệ phải nộp cho phòng Trưởng khế như bây giờ nộp cho Sở Kế hoạch – Đầu tư. Những điểm này có nét gì trùng khớp với những điểm mới của Luật doanh nghiệp 2014?
Lịch sử là những vòng lặp lại theo hình xoáy trôn ốc. Hơn một thế kỷ sau, Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới, việc thành lập công ty trở nên dễ dàng hơn và điều khác biệt cơ bản là những CTCP đó là của người Việt Nam, được hoạt động dưới nền tảng luật pháp của nước Việt Nam độc lập, chứ không phải theo một luật lệ bảo hộ hay ngoại bang nào cả. Luật Doanh nghiệp 2014, một cuộc cách mạng về thể chế thành lập và quản lý DN. Từ nay, quyền tự do kinh doanh đã được hiến định và làm rõ bởi luật, chỉ những gì Nhà nước có văn bản rõ ràng cấm thì mới không được kinh doanh. Ngay cả người đại diện trước pháp luật cũng không dồn lên một cá nhân duy nhất nữa. Những cải cách quan trọng này nhất định sẽ làm dấy lên một làn sóng kinh doanh mới, tạo nên một sức sống mới cho kinh tế Việt Nam.
…tới tiếng chiêng chào sàn
Về mặt vật lý thì tiếng chuông điện của Sở GDCK New York (NYSE) hay tiếng chiêng của Sở GDCK TP. HCM cũng đều chỉ là một dạng tín hiệu âm thanh. Thế nhưng, đối với một DN thì nó lại có ý nghĩa rất quan trọng. Dù thời Pháp thuộc đã có CTCP, có tập đoàn, dù thời chiến tranh kháng Mỹ cũng có nhiều CTCP tầm cỡ, nhưng chỉ đến khi đất nước thu về một mối, có độc lập, có vị trí trên thế giới thì Việt Nam mới có Sở GDCK.
Sau thành công của Khoán 10 trong nông nghiệp, có lẽ phát pháo đầu tiên khởi động cho việc thành lập các CTCP cũng là ở Hải Phòng. Những năm giữa thập niên 80, Công ty Vận tải biển Hải Phòng (Haiphongship) đã có một cách làm sáng tạo trong bối cảnh lúc ấy là cho các thuyền viên đóng góp cổ phần bằng vàng để cùng kinh doanh, buôn bán. Với hình thức CTCP sơ khai kiểu này, những con tàu Hoa phượng đỏ nổi tiếng một thời đã vận tải và buôn bán phát đạt, mang về nhiều ngoại tệ quý giá trong bối cảnh nước ta bị cấm vận.
5 năm sau đó (1993), 4 công ty đầu tiên – Gemadept, REE, Nhà máy Giày Hiệp An và Xí nghiệp Chế biến thức ăn gia súc được Chính phủ cho làm thí điểm chuyển từ DNNN sang hình thức CTCP. Từ sau đợt đó, các CTCP thành lập mới, các công ty cổ phần hóa ngày càng nhiều, nhu cầu mua bán trao đổi phát hành thêm cổ phiếu ngày càng tăng. Đó là những tiền đề cơ bản để hình thành nên TTCK Việt Nam.
Sau hơn 100 năm từ khi Việt Nam xuất hiện CTCP, đến tháng 7/2000, Trung tâm GDCK TP. HCM (nay là Sở GDCK TP. HCM) ra đời, đánh dấu một bước phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam. Cho dù lịch sử có thăng trầm, dù nhiều người lên gõ chiêng đã buộc phải rời công ty vì những lý do khác nhau, nhưng tiến trình phát triển của CTCP Việt Nam vẫn không thể đảo ngược. Từ tờ “Chứng khoán hữu danh cổ phần” tới sàn GDCK điện tử, từ những điều khoản kinh doanh trong Bộ luật Napoleon được áp dụng ở nước thuộc địa tới Luật Doanh nghiệp 2014 của một quốc gia độc lập, đó là cả một chặng đường dài hơn một thế kỷ để đưa quyền tự do kinh doanh, quyền làm giàu trở lại đúng với những quy luật kinh tế. Đó là động lực để kinh tế Việt Nam cất cánh, phát triển cùng cộng đồng kinh tế ASEAN và hội nhập với thế giới!
(Theo ĐTCK)
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/chuyen-chua-biet-ve-to-co-phieu-co-nhat-viet-nam-222556.html