CÁC NGÀY LỄ KỶ NIỆM CỦA CÔNG TY LIÊN THÀNH
CÁC NGÀY LỄ KỶ NIỆM CỦA CÔNG TY LIÊN THÀNH
Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược đánh vào Đà Nẵng, triều đình thất thủ, sau đó lần lượt 6 tỉnh Nam Kì rơi vào tay thực dân Pháp. Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa, biến nước ta thành nô lệ cho chúng. Đến đầu thế kỷ 20, xã hội Việt Nam (khi đó thuộc Đông Dương do Pháp cai trị) bắt đầu có những sự thay đổi. Tại các thành thị xuất hiện một lớp doanh nhân mới.
Hà Nội có những cửa hàng lớn như Đồng Lợi Tế, Hồng Tân Hưng và những công ty hùn vốn như Quảng Hưng Long, Đồng Thành Hưng; Nghệ An có Triều Dương thương quán; Quảng Nam có Quảng Nam hiệp thương công ty; Sài Gòn và Cần Thơ có Nam Đồng hương, Minh Tân công nghệ xã…và đặc biệt tại Phan Thiết có công ty Liên Thành được sáng lập vào năm 1906. Liên Thành Thương Quán ban đầu được cụ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (là hai con trai nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông), cụ Ngô Văn Nhượng, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi và Trần Lệ Chất lập nên, nguyên đặt trụ sở Tổng cuộc ở làng Thành Đức, nay là di tích số 306 Trần Hưng Đạo, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
Các cụ gồm những viên chức và nhà nho cấp tiến, yêu nước chịu ảnh hưởng của trào lưu mới do tiếp nhận những tư tưởng mới của Âu Tây qua sách báo đăng tải. Tại Phan Thiết, công ty Liên Thành đã dùng tiền lời sản xuất nước mắm để tài trợ cho trường Dục Thanh nơi các văn thơ cách mạng được giảng day. Và song song với những hoạt động kinh tế, các cụ còn chú trọng đến việc canh tân văn hóa xã hội tương ứng với cương lĩnh hành động 3 điểm “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” của phong trào Duy Tân hồi bấy giờ, Liên Thành Thương Quán là một trong ba tổ chức có các chức năng văn hóa – chính trị – kinh tế gắn liền nhau:
– Dục Thanh Học hiệu: được thành lập năm 1907, dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ.
– Liên Thành Thư xã: được thành lập năm 1905 để truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước.
– Liên Thành Thương quán: được thành lập ngày 6 tháng 6 năm 1906 để làm kinh tế gây quỹ hoạt động, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhân dân.
Vào lúc đó, do các ngành nghề chính trong nền công nghiệp và nền thương mại của Đông Dương đều do tư bản Pháp và Hoa kiều lũng đoạn, nên Liên Thành Thương Quán lựa chọn sản xuất và kinh doanh nước mắm – là ngành nghề kinh doanh nhỏ, chưa nằm trong tay tư bản nước ngoài.
Ngoài nước mắm, Liên Thành Thương Quán còn kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, buôn bán thuốc bắc, vải vóc ở thời gian trước năm 1922.
Trong thời gian ban đầu mới thành lập, nhờ có sự ủng hộ của những người có cảm tình với phong trào Duy Tân, cũng như viên công sứ Pháp tại Bình Thuận là Claude Leon Lucien Garnier có tư tưởng Dân quyền, nên Liên Thành có điều kiện phát triển trong vài năm đầu tiên.
Năm 1909, Liên Thành Thương Quán thuê ngôi nhà số 1/2/3 Quai Testard và mở phân cuộc kinh doanh ở Sài Gòn. Năm 1911, Nguyễn Trọng Lội qua đời, Hồ Tá Bang thay thế ở chức vụ Tổng lý – tức Giám đốc. Ông đã khéo léo xoay xở để đưa công ty vượt qua quãng thời gian khó khăn, lúc phong trào Duy Tân bị đàn áp và Liên Thành bị liên tục gây khó dễ.
Năm 1917, cụ Nguyễn Quý Anh được bầu làm Tổng lý và cụ Hồ Tá Bang đảm nhiệm Nghị trưởng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị) và chính thức dời Tổng cuộc vào Chợ Lớn, lại mua thêm một lô đất ở Khánh Hội xây vựa chứa nước mắm. Lúc này, vốn của Công ty đã lên đến 93.200 đồng bạc Ðông Dương. Ðến năm 1919, Nguyễn Quý Anh giao lại trách nhiệm Tổng lý cho Trần Lệ Chất, và Trần Lệ Chất đã tiếp tục đưa Liên Thành sang một thời kỳ phát triển rực rỡ.
Năm 1922, công ty xây dựng trụ sở ở Khánh Hội và dời Tổng cuộc từ Chợ Lớn về đây. Trong cùng năm, nước mắm Liên Thành tham gia đấu xảo ở Marseille, Pháp và tạo ra tiếng vang lớn. Từ sau đó, công ty Liên Thành dần mở rộng mạng lưới gồm các phân cuộc ở tỉnh lỵ Phan Thiết, Phú Hài (Phan Thiết), Mũi Né, Hưng Long (Phan Thiết), Phan Rí, Hội An, với địa bàn phân phối nước mắm ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam, phủ qua cả Campuchia và cả ở châu Âu.
Sau khi cụ Trần Lệ Chất mất năm 1969, cụ Huỳnh Văn Dậu giữ trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho đến khi cụ đồng ý hiến công ty cho Nhà nước vào năm 1979 với điều kiện là giữ lại tên Liên Thành cùng với bàn thờ 6 cụ tổ sáng lập.
Sau khi được quốc hữu hoá, các phân cuộc của Liên Thành ở các tỉnh được chuyển đổi thành các cơ sở nước mắm quốc doanh ở địa phương, nhà máy phân bón Phú Hài chuyển thành Xí Nghiệp Quốc doanh Phân bón Phú Hài, còn cơ sở chính của Liên Thành ở Sài Gòn được gộp chung với 9 doanh nghiệp sản xuất nước mắm tư nhân trên địa bàn thành Xí nghiệp Quốc doanh nước mắm Liên Thành, đến năm 1990 thì đổi thành Xí nghiệp Chế biến Thủy Hải sản Liên Thành. Năm 2001, theo chủ trương của Nhà nước, Xí nghiệp Chế biến Thủy Hải sản Liên Thành được cổ phần hoá và sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Chế biến Thủy Hải sản Liên Thành cho đến ngày nay.
Trong thời gian từ khi sáng lập đến năm 1975, Công ty Liên Thành được ghi nhận đã có nhiều đóng góp tài chính cho phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh hội (Việt Minh) và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Công ty Liên Thành có các ngày kỷ niệm:
- Ngày 6 tháng 6 hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập Công ty.
- Ông Nguyễn Trọng Lội vì công việc bài trí và khai thác Mũi Né nên thường phải đi lại. Đi đường bộ theo gành đá quanh co đến 33 cây số, có lần đi từ sáng sớm đến nửa đêm mới đến nơi. Sau này, con đường đổ đá rút còn 22 cây số. Vì chuyện lo việc Liên Thành quá sức mệt nhọc nên ngày17/06/1911 (âm lịch), ông lâm bệnh từ trần. Công ty Liên Thành mỗi năm lấy ngày 17 tháng 06 âm lịch làm ngày kỵ khai canh và làm hiệp tế các vị sáng lập. Công ty Liên Thành cũng lấy ngày này làm ngày giỗ các nhà sáng lập và những người có công trực tiếp kế thừa sự nghiệp công ty Liên Thành mà đã khuất.